Đồ án Cải tạo năm nay theo mình có một cách làm siêu siêu hay bằng việc sử dụng công trình từ các thầy cô trong trường để các bạn sinh viên có thể có cơ hội được trải nghiệm quá trình làm việc với chủ đầu tư trên thực tế sẽ như thế nào. Mình nghĩ đây là một đồ án khá quan trọng vì cải tạo nhà ở sẽ là nguồn dự án chiếm phần lớn trong khối lượng công việc của các bạn sau này.
Chính vì vậy, mục đích môn học này gắn liền với việc các bạn được trải nghiệm các qui trình trong một dự án thực tế từ lúc gặp Chủ đầu tư nhận công trình đến lúc hoàn thiện sản phẩm. Một yếu tố khác mình thấy cũng rất quan trọng ở đây là tư duy thực tiễn, giải quyết vấn đề cũng như kỹ năng làm nghề. Các bạn phải tìm cách khống chế chính phương án của mình để không quá bay bổng để đáp ứng đúng với tĩnh thực tiễn của công trình nhưng cũng không phải vì vậy mà các bạn đưa ra một phương án khô khan và nhàm chán, đồng thời việc xử lý các vấn đề cũng cần phải chú ý đưa ra được hướng giải quyết.
Có 2 vấn đề lớn mà mình nghĩ các bạn nên chú ý trong quá trình thu thập thông tin là:
Công trình
- Kích thước hiện trạng: Chắc chắn rồi. Đây là yếu tố đầu tiên phải chú ý vì chúng ta đang làm việc với một công trình thực tế, không còn là hư cấu nữa.
- Kết cấu và cấu tạo hiện trạng công trình: Điều này quyết định đến giải pháp đề xuất của chúng ta sẽ như thế nào.
- Vị trí hiện trạng công trình: Đối với cải tạo một công trình, chúng ta không chỉ xử lý lại các vấn đề về nội thất mà còn có thể hiệu chỉnh không gian và kiến trúc công trình. Vì thế nên nắm bắt chính xác hiện trạng xung quanh sẽ cho chúng ta các hướng khai thác mở hơn. Ví dụ như các vấn đề nắng, gió, giao thông,...
Chủ đầu tư (CĐT)
- Nhu cầu thiết kế cơ sở: Có thể coi đây là nhiệm vụ thiết kế cơ bản cho đồ án/ dự án này. Những nhu cầu tối thiểu của CĐT như: Nhà có bao nhiêu phòng, diện tích ra sao, cần bố trí đồ đạc nội thất gì, bố trí ở đâu,... Đa phần CĐT đều có một hình dung khái lược về ngôi nhà của mình. Tất cả các thông tin trên sẽ được làm nền tảng cho phần thiết kế sắp tới.
- Khát khao, cái CĐT muốn có được: Yếu tố này là đặc trưng hay là cốt lõi có trong công trình để chúng ta bám theo. Chúng ta nên hạn chế các cụm từ chung chung như: "Sáng sủa", "Thoáng mát", "Trồng cây"... vì đảm bảo chất lượng sống tốt nhất cho CĐT là vấn đề tiên quyết. Họ không nói chúng ta cũng phải làm như vậy. Ví dụ như họ muốn có một "Không gian xanh" (Chú ý đây là ngập tràn xanh, không phải trồng vài chậu cây nhé), họ muốn có một không gian để cả nhà sinh hoạt, một khu vực để tái tạo năng lượng, một ngôi nhà đậm chất thư giãn,...
- Các vấn đề tiêu cực đang tồn tại: Khả năng cao đây chính là lý do dẫn đến việc CĐT muốn cải tạo nhà nên chúng ta cần phải nắm được các vấn đề này và phải giải quyết cho được.
- Các vấn đề tích cực đang có: Phải nắm được thông tin CĐT đang hài lòng với vấn đề gì trong nhà để có thể giữ lại, hoặc phát huy yếu tố đó.
- Phong cách định hướng, gu thẩm mỹ: Khác với dân chuyên ngành chúng ta, phần lớn CĐT không nắm rõ các phong cách thiết kế, thậm chí họ chỉ thấy thích và không nói rõ ràng được thích điều gì, ở đâu. Nhiệm vụ của chúng ta là tư vấn, định hướng để khơi gợi được cho chủ nhà xác định đúng gu thẩm mỹ, chính xác hơn là hình dung đúng cái họ muốn. Tuyệt đối không để xảy ra trường hợp "OK! Em cứ làm đi, làm sao đẹp là được." Ôi trường hợp này thì chúng ta chỉ bơi một cách vô định thôi.
Trên đây là một số thông tin mà các bạn cần phải nắm được khi chuẩn bị tiến hành cải tạo một công trình. Thông thường mình vẫn hay khuyên các bạn thà lấy dư hơn lấy thiếu. Và chúng ta phải xác định được mục đích của việc lấy thông tin này để để trở thành cơ sở các các quá trình đằng sau, không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ bám sát theo 100% các thông tin trên. Đồng thời, với hệ thống dữ liệu như nhau nhưng mỗi bạn dựa vào các quan điểm, tư duy, phân tích cũng như cách tư vấn cho Chủ đầu tư, từ đó sẽ có cái nhìn nhận riêng cho các vấn đề và đưa ra nhiều phương án khác nhau cho cùng một đề bài.
Phần còn lại là sự cố gắng của các bạn nhé!
Chúc các bạn vui!
./.
Nhận xét
Đăng nhận xét