DA-"Thành phần có trong Layout"

Layout là cách thức dùng để thể hiện toàn bộ nội dung phương án của chúng ta mà không cần phải nói ra. Chính vì thế, bất cứ thành phần nào có trong layout đều phải được tính toán và thể hiện một cách đầy đủ, rõ ràng và dễ hiểu nhất có thể.

Một số thành phần có thể gặp trong layout là:

  • Tên
  • Phối cảnh
  • Họa đồ vị trí
  • Phân tích hiện trạng
  • Diagram giải quyết vấn đề
  • Ý tưởng chủ đạo
  • Mặt bằng
  • Mặt cắt
  • Mặt đứng
  • Chi tiết cấu tạo
  • Nội thất, cảnh quan, kết cấu

      1   Tên

    Tên đồ án: Các đồ án khác nhau có những yêu cầu khác nhau, chính vì vậy người đọc cần biết thông tin đồ án, công trình để có thể set mindset đúng đắn và rõ ràng khi tiếp cận vấn đề.
    Tên công trình: Mình vẫn hay khuyên các bạn là nên làm gọn tên công trình trong 1-2 chữ. Chúng ta không nên đặt tên một cách không có chủ đích, ví dụ như lấy tên mình, lấy một cụm từ không liên quan đặt tên cho công trình. Nếu xử lý một cách khéo léo, người xem có thể bắt ngay được tinh thần đồ án ngay khi đọc tên công trình, như vậy sẽ tiết kiệm được một lượng lớn thời gian trình bày.
    Tên sinh viên và giảng viên: Các bạn có 2 vị trí. Một là theo TCVN bảng tên nằm bên dưới phía phải. Hai là nằm chung một vị trí với tên đồ án, tên công trình. Mục đích của người xem vẫn là tìm tên một cách dễ dàng.

      2   Phối cảnh

    Phối cảnh luôn là thành phần trực quan nhất trong layout. Có nhiều loại phối cảnh trong kiến trúc, mỗi loại cung cấp những thông tin khác nhau vì vậy phải biết phương án của mình đẹp ở đâu để lựa được phối cảnh phô ra hết ý tứ trong bài.
    Phối cảnh chim bay: Phối cảnh nhìn từ trên xuống, cung cấp những cái nhìn tổng quát, phối cảnh này nên dùng khi phương án có phần tổng thể, cảnh quan ấn tượng.
    Phối cảnh kiến bò: Phối cảnh nhìn từ dưới thấp lên. Đối với các kiến trúc có hình khối cô đọng nên dùng góc nhìn này để tăng sự hoành tráng, mạnh mẽ cho công trình.
    Phối cảnh tầm mắt người: Phối cảnh này là góc nhìn mà chúng ta thường thấy.
    Phối cảnh mặt cắt: Phối cảnh này là sự kết hợp giữa phối cảnh và mặt cắt, miêu tả không gian bên trong công trình một cách rất trực quan.
    Phối cảnh không gian (Tiểu cảnh): Thể hiện các không gian trong công trình.
    Khi dựng phối cảnh cần để ý chuyển sang dạng phối cảnh 2 điểm tụ, các đường có phương dọc sẽ thẳng đứng theo cạnh giấy. Khi làm việc với phối cảnh không gian, không dùng các phối cảnh 2 mặt tường.

      3   Họa đồ vị trí

    Mục đích là giới thiệu cho người xem vị trí đặt công trình, nên dùng 2-3 cấp khu vực để làm họa đồ giới thiệu vị trí khu đất.

      4   Phân tích hiện trạng

    Sau khi biết được công trình nằm ở đâu. Người xem cần các thông tin về hiện trạng khu đất, công trình, nắm rõ được các vấn đề tích cực, tiêu cực đã, đang và sẽ có tại hiện trạng. Lấy đó làm cơ sở để xem các hướng giải quyết vấn đề của đồ án.
    Các bạn có thể xem chi tiết phần phân tích hiện trạng tại đây nhé!
    Khác với nhiệm vụ lấy thông tin hiện trạng. Phần phân tích hiện trạng chỉ đưa ra các vấn đề xuất hiện trong giải pháp của phương án.

      5   Diagram giải quyết vấn đề

    Ở phần này các bạn đưa ra hết tất cả các ý tưởng, đề xuất trong phương án của mình dưới dạng hình ảnh, diagram.

      6   Ý tưởng chủ đạo

    Đây là yếu tố cốt lõi của bài. Ý tưởng sẽ bao trùm lên tất cả các thành phần từ layout, màu sắc, vật liệu, không gian, công năng, ngôn ngữ ,..... Ý tưởng chủ đạo chính là tinh thần chung, sợi dây liên kết tất cả các yếu tố của đồ án để tạo thành một khối thống nhất. Đồng thời khi xác định được ý tưởng xuyên suốt trong bài. Chúng ta không còn "lạc lối" trong chính quá trình xây dựng phương án của mình.
    Thông thường, để đào sâu, sáng tỏ phương án cũng như khiến bài trình bày trở nên thú vị hơn, mình hay yêu cầu các bạn nên để vào một đoạn văn, là một câu chuyện, ý niệm cho chính bài làm của mình.

      7   Mặt bằng

    Bao gồm.
    Mặt bằng tổng thể: Để xác định vị trí công trình so với ranh khu đất cũng như các yếu tố xung quanh. Chính vì vậy, MBTT phải thể hiện được ranh khu đất, dấu hướng bắc, lối vào chính, giao thông, hiện trạng xung quanh, vị trí công trình trong ranh khu đất.
    Mặt bằng mái: Phải phân biệt rõ giữa MB Mái và MB tổng thể. MB Mái thể hiện chi tiết bộ mái, còn MB tổng thể bao gồm MB Mái và cả khu vực xung quanh.
    Mặt bằng trệt tổng thể: Mặt bằng bao gồm Mặt bằng tầng trệt và toàn bộ tổng thể cảnh quan xung quanh công trình. Tương tự như MBTT, MBTTT phải thể hiện được ranh khu đất, dấu hướng bắc,lối vào chính, giao thông, hiện trạng xung quanh cũng như lối tiếp cận vào công trình.
    Mặt bằng các tầng

      8   Mặt cắt

    Mặt cắt cần thể hiện được hết tất cả các không gian cũng như những ý đồ trong cách xử lý không gian của bài.

      9   Mặt đứng

    Mặt đứng thể hiện tỷ lệ, vật liệu của công trình.

      10  Chi tiết cấu tạo

    Chi tiết ở đây là Chi tiết cấu tạo kiến trúc đặc biệt, tức là những cấu tạo không phổ thông trong bài. Chúng ta không nên đưa vào bài những chi tiết cấu tạo cơ bản, không mang lại giá trị gì.
    Một thành phần khá hay để thể hiện cấu tạo đó là Tách lớp cấu tạo. Đây là một dạng diagram lột tả khá kỹ không chỉ về cấu tạo mà còn có cả không gian, công năng, đồng thời cũng vô cùng trực quan.

      11   Nội thất, cảnh quan, kết cấu

    Những yếu tố bổ trợ, tôn lên ý tưởng của phương án thiết kế. Đồng thời, nhấn mạnh được tinh thần của bài khi đồng bộ được hết tất cả các yếu tố gắn liền với kiến trúc.

    Trên đây là một số thành phần cũng như lưu ý, các bạn có thể note lại để phần trình bày của mình được rõ ràng và cô đọng hơn.
    Các bạn cũng có thể tham khảo thêm layout vẽ tay tại đây nhé!
    Cám ơn các bạn, chúc các bạn tự tin trong quá trình trình bày và thể hiện phương án!

    ./.

  • Nhận xét